“Muốn thành công thì phải có tư duy của người thành công”

-Đó là chia sẻ của chủ tịch CLB "Thành công trước tuổi 30" Nguyễn Mạnh Hà với các bạn trẻ đang bắt đầu lập nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà
Học cách làm giàu từ tư duy
Sinh ra tại một vùng quê nghèo của tỉnh Yên Bái, cũng như bao người, anh thanh niên Nguyễn Mạnh Hà ước mong bước chân vào cổng trường Đại học. Thời điểm đó, công việc kinh doanh của gia đình và anh trai thất bại, kinh tế kiệt quệ, anh phải đi theo các chuyến xe gỗ để có tiền ôn thi. Đối với anh, người bạn của những chuyến buôn đường dài chính là những cuốn sách anh mang theo để tranh thủ học ôn lúc nghỉ chân.
Sau 4 năm kiên trì, anh đã trúng tuyển vào trường Cao đẳng Lao động – Xã hội chuyên ngành Công tác xã hội (giờ là ĐH Lao động – Xã hội). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh là người hoạt động năng nổ, tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội thanh niên, là một trong 5 người được kết nạp Đảng và được giữ lại trường làm giảng viên.
Không hài lòng với công việc giảng dạy, tháng 10/2004, anh xin về trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa và gắn bó với công tác Đoàn, Hội. Tại đây, khi có cơ hội tiếp xúc, làm việc với những trẻ em mồ côi, thiếu thốn tình cảm, thiếu định hướng cuộc sống, anh đã xây dựng Đoàn cơ sở, khuyến khích các học viên tham gia sinh hoạt và tạo ra một không khí hoàn toàn mới. Cũng trong quá trình làm việc tại trường, anh đã có suy nghĩ và phát hiện rất sâu sắc về công tác xã hội và quyết định rời trường vào tháng 6/2005.
Sau khi rời trường, anh bắt tay vào công việc kinh doanh với rất nhiều ý tưởng và anh đã lựa chọn dịch vụ làm sạch để đầu tư với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng. Thế nhưng, việc thiếu kinh nghiệm và không có kiến thức về kinh doanh đã khiến công ty của anh phá sản, số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh tâm sự: “Đó là khoảng thời gian bế tắc. Mỗi buổi sáng anh đi làm, trong túi chỉ có 10.000 đồng, cả ăn sáng và xăng xe”.
Anh chia sẻ, khi bước vào công việc kinh doanh mà không có kiến thức cơ bản về thị trường, không có người đỡ đầu, dẫn dắt thì khó có thể thành công được.
Thất bại không làm anh chùn bước, gần 1 năm sau thời điểm công ty phá sản, năm 2006, anh cùng vài người bạn kinh doanh bất động sản và rồi may mắn cũng mỉm cười, giúp anh vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Năm 2008, cuộc gặp gỡ với diễn giả, doanh nhân Trần Thành Nam trong khóa quản lý tài chính của ông đã giúp anh có một cách nhìn mới mẻ và độc đáo về kinh doanh. Anh nhận thấy, hiện nay hầu hết các trường ĐH chỉ đào tạo về tài chính doanh nghiệp, không dạy về tài chính cá nhân, anh đã nắm bắt điều này và thành lập Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực 360.
Công ty của anh chuyên tổ chức các hoạt động đào tạo về tư duy, lựa chọn phân khúc thị trường là các công ty kinh doanh, trường đại học, sinh viên của các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Ngoại thương, HV Tài chính … Bên cạnh đó, anh còn là diễn giả được chào đón hàng đầu tại Việt Nam với chương trình diễn thuyết đào tạo với các chủ đề: “Tư duy triệu phú để thành công và hạnh phúc”, “Giá trị cuộc sống”, “Sinh viên với tư duy khởi nghiệp”, “3 độ – Lò luyện thành công”, “Sức khỏe quí hơn vàng”, “Tư duy kinh doanh thành công”…
Năm 2009, anh đứng ra thành lập Câu lạc bộ “Thành công trước tuổi 30”. Giải thích lý do lựa chọn mốc 30 tuổi, anh Hà cho biết: “Với tuổi 30, con người ta có rất nhiều khát vọng, muốn lập nghiệp; là thời điểm được phép sai lầm và được phép thay đổi, sửa chữa”. Các hoạt động của CLB được tổ chức vì sự hoàn thiện của bản thân, vì sự ham học hỏi và đam mê khám phá tri thức của mỗi con người chúng ta và đặc biệt là các bạn sinh viên.
Muốn thành công, phải có suy nghĩ của người thành công
Anh Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, khi nói chuyện với các bạn sinh viên, anh thường nhắc đến tư duy thành công. Anh cho rằng, điều quan trọng khi khởi nghiệp chính là tư duy và có định hướng rõ ràng cho công việc hoặc ngành nghề mà mình muốn kinh doanh. Thay vì sau khi ra trường mới tìm hiểu, ngay cả khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên nên có một định hướng, tư duy rõ ràng về công việc tương lai.
Trước khi khởi nghiệp, anh cho rằng sinh viên cần có một sự định hướng, “lập trình” về công việc. Theo anh, con người cũng như một chiếc máy tính, muốn vận hành được phải có sự “lập trình” tỷ mỷ. “Phần cứng” chính là bản thân mỗi con người; còn “phần mềm” chính là định hướng công việc và các kiến thức tiếp thu được thông qua quá trình học tập, rèn luyện thông qua các trường ĐH. Điều quan trọng là cần phải lựa chọn “phần mềm” phù hợp với khả năng và mong muốn của bản thân.
Tuy vậy, trước khi khởi nghiệp kinh doanh và trở thành một doanh nhân, các bạn trẻ cần có cái nhìn đúng đắn về doanh nhân. Đó là những người có đam mê kinh doanh và phải tạo ra một hệ thống kinh doanh, đó là việc tạo ra một thị trường chuyên biệt cho bản thân và làm chủ chính hệ thống ấy. Anh cũng đưa ra một số ví dụ về các doanh nhân thực thụ ở Việt Nam và trên thế giới như Đặng Lê Nguyên Vũ, Võ Thành Tâm… hay Adam Khoo. Tất cả những con người ấy đều biết nắm bắt thị trường, thiết lập ra những hệ thống kinh doanh chuyên biệt, làm chủ và mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Chia sẻ về tính “ổn định” trong kinh doanh mà nhiều người trẻ đang băn khoăn khi bắt tay vào việc kinh doanh, anh cho rằng với một người trẻ không có kinh nghiệm, không có người dẫn dắt, không tạo cho mình thị trường chuyên biệt thì khó có thể thành công ngay từ đầu. Vì thế, không thể bàn đến sự “ổn định” trong môi trường kinh doanh, bởi khi nhắc tới kinh doanh là phải nhắc tới “lợi nhuận”. Lợi nhuận sau 1 quý, nửa năm hay cả năm mới là điều cần xem xét, có thể lợi nhuận không tăng, nhưng giá trị thương hiệu, uy tín thương hiệu được nâng lên, đó mới là điều đem lại sự “ổn định” và phát triển cho một doanh nghiệp.
Trong việc kinh doanh, bên cạnh việc đặt ra cho mình những phương án thành công, thì người trẻ cũng nên đưa ra những phương án khi thất bại. Đó là những phương án khiến người trẻ có thể tránh được những sai lầm khi kinh doanh, cũng như có thể đưa ra những phương án giải quyết kịp thời khi việc khởi nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh việc có suy nghĩ muốn thành công, dám thành công, anh Hà cho hay, người trẻ cũng nên có kiến thức chính thống về cách tư duy, định hướng thông qua các khóa học tư duy kinh doanh và các cuốn sách bàn về kinh nghiệm thành công của những doanh nhân nổi tiếng như Adam Khoo. Lời khuyên của anh với các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp, đó là: “Cứ đi nghe, cứ tiếp thu những thông tin họ truyền đạt. Kể cả khi những điều ấy không phù hợp với bạn, đó cũng là một kinh nghiệm về khả năng PR, thuyết phục mà bạn học được từ diễn giả”.
Chia sẻ về CLB “Thành công trước tuổi 30” mà anh đang làm Chủ tịch, anh Nguyễn Mạnh Hà cho biết trong CLB anh có rất nhiều bạn trẻ đã có sự thay đổi trong tư duy, đặc biệt có những bạn sinh năm 90, 91. Thông qua việc sinh hoạt và chia sẻ tại CLB, các bạn đã trang bị thêm cho mình năng lực đàm phán, nhìn nhận thị trường, tiếp xúc khách hàng hay khả năng quảng cáo …
Từ một chàng trai nghèo, anh Nguyễn Mạnh Hà đã trở thành một doanh nhân thành đạt, một triệu phú, một diễn giả hàng đầu Việt Nam. Hiện tại anh là Trưởng Ban tư vấn quốc gia và là Giảng viên cao cấp ở Tập đoàn quốc tế Tiens tại Việt Nam. Thành công không đến một cách dễ dàng, con đường kinh doanh của anh cũng có những vấp váp, những thất bại, nhưng nhờ tư duy sáng tạo, anh đã trở thành một người thành công.
Khi nhắc đến những thành công của mình, anh chỉ cười: “Không phải bạn thành công bằng con đường nào, mà điều quan trọng là bạn có bản lĩnh để thành công hay không”.
Vương Tâm
 

Liên Hệ

Email : nguyensongluan08@gmail.com

Nhóm Phát Triển Blogger